Trung Tâm Revit Thực Hành NPD Thiết kế phí thấp là phá giá, vậy ứng viên muốn lương cao có phải phá giá không? 601/1 Lô A, CMT8, P15, Q10, TP.HCM 6,000,000VND/Khóa +84-913-875-375 Trung Tâm Revit Thực Hành NPD

THIẾT KẾ PHÍ THẤP LÀ PHÁ GIÁ,

VẬY ỨNG VIÊN MUỐN LƯƠNG CAO CÓ PHẢI PHÁ GIÁ KHÔNG?

 

Rất nhiều lần tôi được nghe những câu trách móc trực tiếp rằng tôi "làm hư" những người lao động mới vào nghề hay làm cho sinh viên, người mới vào nghề ảo tưởng,... Điều đó cũng chứng tỏ rằng rất nhiều lời trách móc nói bên ngoài mà có thể tôi không được trực tiếp nghe. Với vài dòng chia sẻ trên Facebook e rằng khó giải thích đầy đủ. Tôi nghĩ mình cần làm sáng tỏ vấn đề này.
Những lời nói trên cũng hàm ý rằng, các ứng viên đang phá giá thị trường lao động. Từ "phá giá" thường được hiểu là làm cho giá thấp xuống để cạnh tranh, đó là hành vi xấu. Trong trường hợp này tiền lương cao lên, gây khó khăn cho việc tuyển dụng của các doanh nghiệp. Hành vi này có xấu không? Chúng ta phân tích hai trường hợp cụ thể trong các doanh nghiệp thiết kế bằng Revit.

Hưởng lương cao hơn hiệu suất lao động
Một người bán sức lao động với giá cao hơn hiệu suất làm việc thì được gọi là lương hời. Điều này chỉ xảy ra trong các văn phòng đại diện nước ngoài, một số doanh nghiệp cần người đột xuất cho dự án gấp,... Câu hỏi đặt ra là họ có xứng đáng không? Hoàn toàn xứng đáng! Khi doanh nghiệp gấp, tăng ca,... tất nhiên phải tốn nhiều chi phí tiền lương hơn, lợi nhuận phải thấp hơn. Đó là kinh tế thị trường. Cũng giống như một công ty thiết kế, khi khách hàng muốn làm gấp trong thời gian ngắn thì phải trả phí cao hơn cho bộ hồ sơ tương tự.

Hưởng lương nhỏ hơn hoặc bằng với hiệu suất lao động
Một ứng viên yêu cầu mức lương cao, khác hoàn toàn với việc bán phá giá một sản phẩm. Khi yêu cầu lương cao là hạn chế khả năng cạnh tranh, trong khi hạ giá sản phẩm là tăng khả năng cạnh tranh. Người yêu cầu lương cao rõ ràng họ có thứ khác để cạnh tranh. Đó chính là hiệu suất lao động của họ.

Vậy thì doanh nghiệp có nên tuyển một người mức lương A với hiệu suất làm việc Q, hay nên tuyển hai người mức lương là A/2 với hiệu suất làm việc là Q/2? Câu hỏi này học sinh tiểu học trả lời được nhưng đa số các CEO các doanh nghiệp nhỏ trả lời sai trong đó có tôi. Cho đến khi tôi trải qua khóa học CEO tại trường PACE, tôi mới hiểu rằng quản trị là kỹ năng quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi chưa có kỹ năng quản trị, chúng ta mơ hồ rằng các ngành dịch vụ thì tuyển nhân viên lương thấp và bán sản phẩm giá thành cao thì sẽ có lợi nhuận. Các CEO thừa hiểu hiệu suất lao động của nhân viên mới quan trọng chứ không phải số lượng. Thực tế trong các doanh nghiệp, những nhân viên lương trên 15tr làm việc luôn có hiệu suất cao hơn gấp 3 lần nhân viên có mức lương 5tr! Không tin cứ mở kỳ thi nội bộ trong doanh nghiệp kiểm tra thử xem.

Vậy tại sao có nhiều doanh nghiệp không thích tuyển nhân viên lương cao?
Trọng tâm vấn đề là ở đây. Các CEO có kỹ năng quản trị luôn tìm kiếm ứng viên phù hợp và chuyên nghiệp ứng với từng vị trí. Lương càng cao càng tốt, miễn là họ có công việc để sử dụng hết công suất làm việc của người lao động. Nếu tuyển một ứng viên quá nhiều kỹ năng chuyên môn thì chắc chắn doanh nghiệp không thể sử dụng hết một cách hiệu quả. Cũng giống như mua một cái máy đa năng thì giá luôn đắt nhưng không bao giờ dùng hết công suất được.

Các CEO chưa có kỹ năng quản trị thường không biết cách định lượng hiệu suất làm việc của nhân viên. Họ chỉ định tính qua vài kỹ năng chuyên môn nhưng không định lượng được hiệu suất. Vì không định lượng được hiệu suất làm việc nên họ không thể có số liệu để so sánh. Cách đánh giá dễ nhất của họ là phân loại nhân viên thành các mức ABCD, rồi mỗi cấp có mức lương cao hơn một cách tượng trưng để gọi là sự công bằng. Họ không biết nhân viên hạng A có hiệu suất làm việc cao hơn nhân viên hạng B gấp hơn 02 lần, trong khi mức lương chỉ cao hơn 20%!

Tại sao tôi giới thiệu ứng viên làm Revit luôn có mức lương cao?
Rất đơn giản, những bạn ứng viên Revit có hiệu suất làm việc với mức lương thấp thì tôi không giới thiệu! Nếu các bạn đó muốn được tôi giới thiệu phải thực hành, luyện tập và hoàn thành các bài tập kỹ năng tôi đưa ra. Những bạn được giới thiệu chắc chắn họ có năng suất lao động cao hơn nhiều những người đang làm trong công ty với mức lương tương đương. Tôi luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp và nhân viên song hành cùng nhau.
Các ứng viên Revit tôi giới thiệu thường được đánh giá đầy đủ nhiều mặt về tác phong và kỹ năng làm việc với Revit.

Lời kết
Ứng viên dám yêu cầu mức lương, thậm chí mức cao không phải là họ ảo tưởng mà là họ biết hiệu suất lao động của mình. Đó gọi là sự tự tin. Họ hiểu rõ đến doanh nghiệp để làm việc, để bán sức lao động chứ không phải đến để học mà được trả phí. Người tuyển dụng nên thấy đó là tín hiệu vui. Thị trường người lao động có tay nghề sẽ ngày càng phát triển. Nếu nhà tuyển dụng cứ muốn tuyển người vào để vừa học vừa làm thì trong tương lai gần họ sẽ đi là hiển nhiên. Vì mức lương lúc vào là mức lương học việc, khi có tay nghề nếu doanh nghiệp tăng lương không tương xứng thì doanh nghiệp khác tuyển.

CEO tốt luôn muốn lương nhân viên của doanh nghiệp mình cao hơn nơi khác. Lương phải đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ, đủ cho họ vươn lên trong tương lai! Những người như vậy đựợc gọi là doanh nhân. Những CEO chỉ biết lo cho túi riêng của mình, không quan tâm đến đời sống nhân viên, cho rằng người này nghỉ thì tuyển người khác mà không đắn đo. Những người như vậy gọi là con buôn. Doanh nhân khác con buôn ở điểm cơ bản như vậy đó là lời của thầy Giản Tư Trung dạy trong trường PACE.

 


 

(Nhấn Ctrl+V để Paste ảnh từ Clipboard)
Khách Đăng nhập